Năm 2045 phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch
10:10 - 02/06/2022
(MTNT) - Nước sạch, vệ sinh nông thôn là yếu tố quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp thông minh, nâng cao năng suất, tăng trưởng kinh tế của quốc gia trong hiện tại và tương lai.
Mục tiêu tổng thể của Chiến lược là đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng
 

 
Việc được sử dụng nước sạch là vấn đề sống còn đối với mỗi gia đình, cá nhân. Tiếp cận với nước sạch đồng nghĩa với việc con người được bảo vệ trước các loại dịch bệnh…


Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg với mục tiêu bảo đảm người dân nông thôn được quyền tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý, bảo đảm vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng NTM.


Theo đó, mục tiêu tổng thể của Chiến lược là đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân.


Chiến lược phấn đấu 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.


Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.


Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể về hoàn thiện thể chế, chính sách; về thông tin - giáo dục - truyền thông; về cấp nước sạch nông thôn; về vệ sinh nông thôn…


Chiến lược thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.


Nhà nước ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo.


Thiết lập hệ thống kiểm soát, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước sinh hoạt, kiểm soát ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt từ các hoạt động dân sinh, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và có phương án thay thế nguồn nước trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.


Xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.


Huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý vận hành và bảo vệ công trình cấp nước, công trình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” với hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật của đơn vị chuyên trách.


Đối với vệ sinh nông thôn, ứng dụng và phổ biển các giải pháp công nghệ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đơn giản, phù hợp tập quán địa phương và khả năng chi trả của người dân; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, quản lý sử dụng công trình vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh công cộng đảm bảo tiêu chuẩn…


Đồng thời, thí điểm áp dụng các mô hình công nghệ thu gom và xử lý nước thải chi phí thấp, hạn chế hóa chất, sử dụng năng lượng tái tạo, ít phát sinh chất thải thứ cấp phù hợp với đặc điểm và quy mô khu dân cư nông thôn tập trung.


Quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo mùi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh từ cơ sở chăn nuôi không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường. Hộ chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi chịu trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng quy định.


Thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và xử lý chất thải chăn nuôi.


Nhằm cụ thể hoá Chiến lược, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 có 85% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số tối thiểu 60 lít/người/ngày.


100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.


Đến năm 2045 phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.


Đến nay tỷ lệ hộ dân nông thôn tại tỉnh Đồng Nai được sử dụng nước sạch theo quy định đạt 81,95%, mục tiêu đến năm 2025, duy trì tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ số dân được sử dụng nước sạch theo QC01-1:2018/BYT hoặc Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đạt 85%.


Đặc biệt đối với huyện Cẩm Mỹ, địa phương đang phối hợp Công ty CP Cấp nước Gia Tân đầu tư 2 tuyến ống, một tuyến từ thành phố Long Khánh về trung tâm huyện và một tuyến từ ngã tư Dầu Giây về các khu công nghiệp theo tỉnh lộ 769.  Lưu lượng cấp nước ban đầu khoảng 30 ngàn m3/ngày đêm cho 2 tuyến. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng mới hệ thống cấp nước công suất 20 ngàn m3/ ngày đêm để nâng công suất gấp đôi hiện hữu; giai đoạn 2, đến năm 2027 đầu tư hệ thống công suất 59 ngàn m3/ngày đêm...


Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ là công cụ chính sách trọng yếu, định hướng hành động, giúp cải thiện việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh, quan trọng hơn giúp đảm bảo cuộc sống của người dân.



 


Thái Phóng






 
Nguồn:
https://www.ninhbinh.gov.vn/ubnd-ninhbinh/4/469/39067/239092/Tin-noi-bat/Hoi-nghi-cong-bo-Chien-luoc-quoc-gia-ve-cap-nuoc-sach-va-ve-sinh-nong-thon-den-nam-2030--tam-nhin-den-nam-2045.aspx http://sonongnghiep.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2956&CatId=51 https://nhandan.vn/moi-truong/den-nam-2030-65-dan-so-nong-thon-duoc-su-dung-nuoc-sach-dat-chat-luong-theo-quy-chuan-675612/
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn